Thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi chiều 3/11,íchđiệnbắtgiuncầnxemlàhànhvihủyhoạiđấlysine Phó đoàn Điện Biên Lò Thị Luyến bày tỏ lo ngại thời gian gần đây trên địa bàn nhiều tỉnh thành xuất hiện nạn kích điện để bắt giun bán sang Trung Quốc.
"Hành vi này làm suy giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất, suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Bởi nhiều kẻ vào tận ruộng vườn, trang trại của người dân để kích giun", bà Luyến bày tỏ.
Trước vấn nạn này, một số địa phương áp dụng biện pháp xử phạt, nhưng chưa áp dụng thống nhất.
Vì vậy, bà Luyến đề nghị cần củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng về hành vi này, để các địa phương có cơ sở ngăn chặn.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Nữ đại biểu đoàn Điện Biên đề xuất, bổ sung hành vi "làm giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất" cũng là hủy hoại đất, để củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng, giúp địa phương có cơ sở ngăn chặn nạn kích điện giun đất.
Theo quy định hiện hành của Chính phủ, người hủy hoại đất có thể bị phạt hành chính đến 150 triệu đồng.
Giun đất gồm nhiều loài, thuộc phân lớp Oligochaeta (phân lớp giun có đai sinh dục), ngành Annelida (ngành giun đốt). Tại nhiều quốc gia, giun còn được nuôi cho mục đích xử lý rác thải. Nhờ giun đất, Australia đã tái tạo được khoảng 20% rác hữu cơ, góp phần giải quyết vấn đề sinh thái và rác thải, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy 100-200 gram giun có thể xử lý tối đa 300 kg rác thải.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mỗi gram đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Riêng giun đất được ví như "lưỡi cày sinh học" của nhà nông, giúp đất tơi xốp; là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất, tạo điều kiện sinh ra các chất hữu cơ có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt.
Nạn kích điện giun đất xuất hiện nhiều từ năm 2019, sau đó lắng xuống. Gần đây, tình trạng này rộ lên ở Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang... Máy kích giun gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy điện công suất lớn, hoặc sử dụng pin. Khi cắm que sắt xuống đất, chỉ một phút sau giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc. Khoảng 13 kg giun sống sẽ cho một kg khô, bán chừng 600.000 đồng. Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích điện giun đất chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử phạt.
Nhiều chuyên gia từng đề xuất phải xem hành vi kích điện giun đất gây hủy hoại môi trường là một loại tội phạm.